DUYÊN
Không biết các bạn có tin vào chữ duyên hay không. Riêng tôi lại tin rằng đôi khi cần có một chữ duyên thì con người ta mới có cơ hội gắn bó với nhau. Tôi còn nhớ như in những ngày hè oi bức năm 2008, lần đầu tiên đặt chân đến trường Đại học Quy Nhơn để chuẩn bị cho kì thi đại học.
Ấn tượng đầu tiên về nơi đây là một khuôn viên rộng lớn, gió biển như xoa dịu tiết trời hanh những ngày tháng 7. Góc sân trường ngổn ngang sắt thép, dãy phòng học đã chớm màu rêu. Từ bé tôi vẫn luôn ước mơ mình trở thành một cô giáo với tất cả niềm ngưỡng mộ thích thú. Ước mơ tưởng chừng đã thực hiện được khi tôi thi đậu vào ngành sư phạm của trường. Nhưng mọi việc không suôn sẻ như vẫn nghĩ. Theo mong muốn của gia đình, tôi bước chân vào Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh. Suốt bốn năm ở giảng đường, ước mơ ngày bé trong tôi vẫn chưa nguôi ngoai. Thật may mắn, khi tốt nghiệp tôi lại trở thành một thành viên của khoa Tài chính- Ngân hàng & Quản trị kinh doanh ngay dịp sinh nhật Khoa tròn 10 tuổi. Dường như chính chữ duyên đã mang tôi đến với nghề giáo và mang tôi đến trường đại học Quy Nhơn. Tôi có dịp trở lại. Nơi đây, mọi thứ đã đổi khác, đống sắt thép ngổn ngang giờ đã biến thành tòa nhà cao tầng hiện đại, dãy phòng học được trang hoàng lại tinh tươm. Bao trùm lên sự thay đổi đó vẫn là cái không khí dịu mát và yên bình, cái hương gió biển qua bao nhiêu năm vẫn không phai. Hàng phượng vĩ reo mình trong gió như những ngọn nến khổng lồ hát bài ca mừng sinh nhật Khoa.
Văn phòng khoa là một căn phòng nhỏ hơn chục mét vuông bao giờ cũng rộn vang tiếng cười. Ấy là ngôi nhà chung của bao thế hệ thầy trò khoa TC-NH & QTKD. Ấn tượng của buổi đầu gặp gỡ thầy cô trong khoa là họ rất trẻ, và rất tận tình hướng dẫn những người mới như chúng tôi trong việc làm quen với mọi thứ. Tôi thấy lạ. Những ngày còn là sinh viên tôi và các bạn cùng trang lứa vẫn có chút ngần ngại khi gặp các thầy cô. Cũng có thể vì dòng chảy cuộc sống giữa Sài Gòn quá hối hả và bận rộn nên thầy cô chẳng nhớ hết tên học trò. Tôi ngạc nhiên khi thầy cô ở đây lại nhớ tên, nhớ mặt từng sinh viên. Lúc lên lớp, hay những giờ ngoại khóa, thầy cô như những người bạn lớn luôn gần gũi với học trò. Các thầy cô dù nhiều thế hệ, đến từng nhiều vùng miền khác nhau nhưng mọi khoảng cách đều được xóa nhòa khi mọi người cất giọng hòa quyện trong bài hát truyền thống khoa “Bài ca FBA”. Từng thế hệ sinh viên vào trường rồi đi đến những chân trời mới nhưng những con người ấy sẽ vẫn mãi gắn bó với nơi đây và tiếp tục đưa những chuyến đò sang bến bờ tri thức. Đối với họ niềm hạnh phúc là được nhìn thấy đứa học trò bé nhỏ của mình trưởng thành. Trước đây, tôi đã bỏ lỡ cơ hội gắn bó 4 năm đối với trường nhưng bù lại giờ đây tôi đã có cơ hội lâu dài để đón những sinh nhật khoa tròn 20 hay 30 năm... Cám ơn thầy cô đã chắp cánh cho ước mơ của tôi! Cám ơn đại gia đình FBA đã đón nhận tôi với tình cảm ấm áp!